Y đức bây giờ cần phải được “trùng tu”

– Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm: hơn cả sự liều lĩnh, nhẫn tâm

– “Nhân bản” kết quả xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân!

Kỹ thuật nhân bản kết quả xét nghiệm mà một số y bác sĩ bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội thực hiện trên nhiều bệnh nhân là một “sáng kiến” huỷ hoại sức khoẻ con người mà chưa quốc gia nào có thể làm được như vậy.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Dù sức tưởng tượng của con người có phong phú đến mấy cũng không thể hình dung được một bác sĩ dám đem kết quả xét nghiệm y tế của người này để áp đặt cho người khác. Đó không chỉ là chuyện cẩu thả trong chuyên môn, sự coi thường khoa học mà là sự tận cùng của tha hoá.

Ba đứa trẻ tử vong vì tiêm vaccine viêm gan B, dư luận lên án, nhưng không phẫn nộ vì y bác sĩ vô đạo đức, bởi vì đó là ngoài ý muốn của thầy thuốc. Nhưng xét nghiệm bệnh nhân rồi lấy kết quả nhân bản cho nhiều người là sự cố tình. Thầy thuốc coi thường y đức thì đó là vi phạm lớn nhất về đạo đức nghề nghiệp. Nghề nào cũng cần có đạo đức, nhưng nghề thầy thuốc đòi hỏi cao nhất, vì liên quan trực tiếp đến mạng sống con người.

Vậy thì, có đạo đức nào chấp nhận thầy thuốc làm sai quy trình chuyên môn dù  biết rõ rằng cái sai đó trả giá bằng mạng sống bệnh nhân. Người không được học hành tử tế, có hành vi tổn thương đến sức khoẻ, mạng sống của người khác, thì đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. Một người là y sĩ, bác sĩ, được đào tạo về nghề nghiệp, chuyên môn y khoa, lại dám làm cái việc gián tiếp gây tổn hại sức khoẻ, thậm chí là chết người, tội càng nặng hơn.

Chính vì thế, cơ quan công an vào cuộc để điều tra vụ việc, để làm rõ hành vi vi phạm của từng cá nhân, thậm chí là của một nhóm người. Không xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật, dân còn tin được ngành y tế của đất nước này không?

Việc điều tra, khởi tố, truy tố và trừng phạt người sai phạm là đương nhiên, là mực thước của pháp luật, nhưng đó chỉ là giải quyết cái ngọn. Việc lớn hơn mà nhân dân mong đợi là có một đội ngũ “lương y” thực sự là “từ mẫu”. Tấm lòng của người thầy thuốc như mẹ hiền. Có mẹ hiền nào không thương con, cho nên không thể là “từ mẫu” khi người mẹ coi mạng sống của đứa con như súc vật.

Từ chuyện này và nhiều vụ việc xảy ra gần đây, vấn đề đặt ra là chấn chỉnh đạo đức của người thầy thuốc. Thực ra, thầy thuốc Việt Nam có truyền thống đạo đức cao cả, có được hình ảnh rất đẹp trong cộng đồng, xã hội. Nhưng do quá nhiều nguyên nhân khác nhau, truyền thống đó bị mất đi nhiều.

Để không xảy ra những vụ việc như ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, việc cấp thiết là phải trùng tu y đức. Còn trùng tu bằng phương pháp, biện pháp, kỹ thuật như thế nào là chuyện của trí tuệ và tầm nhìn của không chỉ Bộ Y tế.

Nguồn: http://dantri.com.vn